5 cách hiệu quả làm dịu cơn ho và đau họng
Dù có đờm hay ho khan, trong hầu hết các trường hợp, ho thường là lành tính. Đôi khi ho có kèm theo viêm họng, những cơn ho lặp đi lặp lại khiến mọi người tìm cách để giảm ho.
1. Ho - Triệu chứng phổ biến khi trời lạnh
Ho kèm theo đau họng vẫn là một trong những triệu chứng phổ biến khi thời tiết trở lạnh. Đây là một phản xạ hoàn toàn tự nhiên cho phép các chất kích thích được đẩy ra khỏi đường hô hấp. Ho có thể được kích hoạt bởi virus hoặc có nguồn gốc dị ứng. Ho thường đi kèm với các triệu chứng khác: Cảm, sốt, nhức đầu, COVID-19...
Trong phần lớn các trường hợp, chứng bệnh này xảy ra do nhiễm virus, hoặc đôi khi do vi khuẩn. Viêm mũi họng, viêm phế quản, viêm thanh quản, viêm khí quản thường gây ho từng cơn. Hen suyễn hoặc các vấn đề về trào ngược cũng có thể gây ho.
Ho là một phản xạ phòng vệ tự nhiên, một cơ chế giải phóng đường thở, ở phế quản, khí quản và thanh quản. Ho giúp loại bỏ đờm và các dị vật... nhưng ho lặp lại sẽ gây ra nhiều mệt mỏi và bất tiện.
Có hai loại ho: Ho có đờm và ho khan. Trước tiên chúng ta phải xác định nguồn gốc của các cơn ho. Chúng có thể đến từ vùng tai mũi họng, nhưng trong một số trường hợp, chứng trào ngược dạ dày cũng có thể gây ra ho.
TS. BS. Jean-Louis Bensoussan (Pháp) khuyến cáo, trong trường hợp xuất hiện những cơn ho khan do viêm mũi họng hoặc nhiễm trùng tai mũi họng, việc cần làm là tránh nằm ngủ và giữ ở tư thế ngồi hoặc đứng càng nhiều càng tốt.
Nếu các cơn ho xảy ra vào ban đêm, bạn phải thức dậy và uống một thức uống nóng thì nên dùng trà thảo mộc hoặc sữa nóng. Các thức uống này sẽ làm dịu vùng phế quản. Chúng ta cũng có thể uống nóng trong ngày thành từng ngụm nhỏ. Nóng không có nghĩa là nóng bỏng, hãy cẩn thận với nhiệt độ quá cao.
Trong trường hợp ho do trào ngược dạ dày, tức là trào ngược acid gây kích thích cổ họng, phản xạ tương tự: Đứng lên hoặc ngồi xuống. Trong trường hợp này, giải pháp duy nhất là uống một loại thuốc chống lại acid dạ dày và kê cao đầu khi nằm. Nếu các cơn ho không thuyên giảm, bạn có thể sử dụng các loại siro ho uống. Hãy hỏi ý kiến của bác sĩ, dược sĩ để được tư vấn.
Sau cùng, nếu các biện pháp trên không hiệu quả, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ. Ho khi đó thực sự có thể tiết lộ một vấn đề khác mà chỉ những xét nghiệm kỹ lưỡng mới phát hiện ra.
2. Cách giúp giảm ho và đau họng hiệu quả
2.1 Súp nóng
Ăn một món súp nóng sẽ đẩy nhanh sự di chuyển của chất nhầy vì nó là chất lỏng nóng và ăn vào sẽ khiến các mạch máu giãn ra, do đó làm tăng lưu lượng máu. Theo các nghiên cứu, súp gà giàu carnosine giúp giảm thiểu tình trạng viêm nhiễm đường hô hấp trên, có hiệu quả nhất trong việc giảm viêm liên quan đến cảm lạnh thông thường.
Súp nóng giúp làm dịu cơn ho.
2.2 Ăn tỏi sống
Chống ho, ăn tỏi sống khá hiệu quả. Đó cũng là một phương pháp điều trị tốt cho chứng đau đầu vì tỏi chứa nhiều khoáng chất, enzym, vitamin C, lưu huỳnh và selen. Tỏi cũng có đặc tính khử trùng và kháng khuẩn, cho phép chống lại cảm lạnh một cách chủ động.
Ăn tỏi sống giúp chống lại các cơn ho.
2.3 Hít hà tinh dầu
Một số loại tinh dầu như cây trà, cỏ xạ hương (tinh dầu chống nhiễm trùng) và bạch đàn (đặc tính kháng virus và vi khuẩn) đặc biệt hiệu quả chống lại chứng viêm họng. Tinh dầu bạc hà cũng có thể được sử dụng như một loại thuốc thông mũi tự nhiên, thông qua máy khuếch tán hoặc mát xa trên da.
2.4 Dùng nước ép gừng
Gừng nổi tiếng với đặc tính chống viêm, giúp chống lại tắc nghẽn ở mũi và cổ họng. Dùng nước gừng ép có thể giúp chống lại cảm lạnh thông thường một cách hiệu quả.
Nước ép gừng làm dịu ho và đau họng.
2.5. Mật ong
Mật ong không chỉ giúp giảm đau họng mà còn hoạt động như một loại thuốc giảm ho. Giàu acid amin, flavonoid, vitamin và khoáng chất, mật ong cũng có thể làm giảm cảm lạnh bằng cách giúp làm thông thoáng đường hô hấp trên.
Mật ong làm giảm đau họng.