Phải làm gì khi bị ngộ độc thực phẩm?
- Những triệu chứng điển hình
Triệu chứng ngộ độc thực phẩm rất đa dạng, nhưng nếu thấy các biểu hiện sau đây, bạn nên nghĩ đến ngộ độc thực phẩm:
- Người bệnh cảm thấy khó chịu, nôn ói, tiêu chảy ngay sau khi ăn
- Có ít nhất 2 người có những triệu chứng tương tự nhau sau khi ăn chung 1 loại thức ăn, những người không ăn thì không bị
- Thức ăn ôi thiu mốc hỏng, có mùi lạ hoặc giun sán…
Các dạng triệu chứng điển hình:
- Ngộ độc thực phẩm do vi sinh vật (virus/vi khuẩn) hoặc độc tố từ chúng tiết ra: Bệnh nhân bị đau bụng, nôn ói, đi ngoài, có biểu hiện nhiễm trùng (sốt, đổ mồ hôi), cảm thấy môi khô nẻ, háo nước. Bệnh nhân thường chỉ có những bất thường về tiêu hóa như trên, không kèm theo bất thường ở các cơ quan khác.
- Ngộ độc thực phẩm do nhiễm hóa chất (dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản, không phải chất độc vốn có trong thực phẩm): Bệnh nhân có nhiều bất thường ở nhiều cơ quan khác nhau: Đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, ngất xỉu, tim đập nhanh bất thường, trụy mạch…
- Ngộ độc thực phẩm do thực phẩm tự nhiên đã có độc (mật cá trắm, cá nóc, cóc, măng, sắn, nấm…)
Ngộ độc thức ăn có thể kèm theo các biểu hiện nghiêm trọng:
- Sốt cao (biểu hiện nhiễm trùng)
- Khô môi, háo nước (biểu hiện mất nước)
- Mắt mờ, líu lưỡi, nói ngọng, chân tay tê liệt, co giật, chóng mặt, đau đầu (biểu hiện rối loạn thần kinh)
- Tụt huyết áp, nhịp tim bất thường (quá cao hoặc quá thấp), cảm thấy khó thở, ép ngực (biểu hiện rối loạn tim mạch)
- Đau ngực, hàm, họng, phân có nhầy, máu, tiểu ít và gắt.
Sau khi ăn, các triệu chứng xuất hiện rất nhanh (thường chỉ vài phút, vài giờ hoặc tối đa 2 ngày kể từ sau bữa ăn). Ngộ độc thực phẩm tổn hại đến cơ thể, từ mệt mỏi, chán ăn, đau đầu chóng mặt đến rối loạn thần kinh , rối loạn tuần hoàn, suy kiệt, thậm chí tử vong. Việc sơ cứu khi phát hiện ngộ độc thức ăn đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình điều trị.
2. Phải làm gì khi bị ngộ độc thức ăn?
Nếu quan sát thấy bản thân hoặc người xung quanh có nhiều biểu hiện nghi ngộ độc thực phẩm, bạn hãy bình tĩnh thực hiện lần lượt các bước sau đây (nhớ là thực hiện lần lượt):
- Kích thích bệnh nhân nôn ra càng nhiều càng tốt (đặc biệt khi bệnh nhân không nôn ói): Đây là việc làm cần thiết để hạn chế tối đa độc tố ngấm qua thành ruột, phải thực hiện càng nhanh càng tốt. bạn phải rửa sạch tay mình, móc vào cuống lưỡi bệnh nhân để kích thích bệnh nhân nôn hết thức ăn trong dạ dày ra khỏi cơ thể. Lúc này, bạn cần đặt bệnh nhân nằm nghiêng, đầu kê cao để tránh thức ăn ói ra trào vào phổi, hãy bình tĩnh đề phòng bệnh nhân bị sặc do cuống họng bị kích thích quá mức.
Lưu ý: với bệnh nhân đã hôn mê, không được gây nôn đề phòng bệnh nhân bị sặc do thức ăn trào vào phổi.
- Bổ sung nước và điện giải: ngộ độc thức ăn gây nôn và đi ngoài liên tục dẫn đến việc mất nước nghiêm trọng ở cơ thể. Nên bổ sung nước bằng cách cho bệnh nhân uống nước lọc, nước đun sôi để nguội, dung dịch oresol (pha và uống oresol theo đúng liều lượng ghi trên gói), cũng có thể rang gạo hãm nước cho bệnh nhân uống. Đây là biện pháp bù nước và điện giải, tránh mất nước quá nhiều gây kiệt nước, dẫn đến tử vong.
- Đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất hoặc gọi xe cấp cứu: sau khi sơ cứu, cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ thăm khám và theo dõi. Không nên chủ quan vì ngộ độc thức ăn có thể gây những biến chứng nguy hiểm mà bạn không thể nào lường trước được. Nếu không tự đưa đi được, bạn hãy bấm 115 gọi xe cấp cứu.
- Giữ lại các mẫu thực phẩm bệnh nhân đã ăn: bạn phải giữ lại tất cả các mẫu thực phẩm bệnh nhân đã ăn, bao gồm cả nhãn mác, hạn sử dụng, giữ lại cả chất nôn, phân người bệnh để cung cấp cho bác sĩ. Đây là căn cứ quan trọng để bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân gây ngộ độc và có phác đồ điều trị phù hợp nhất. Bạn càng kỹ lưỡng, bác sĩ càng chẩn đoán dễ dàng và chính xác, quá trình điều trị sẽ nhanh chóng và hiệu quả hơn rất rất nhiều.
- Báo cáo ngay với cơ quan chức năng nếu nhiều người cùng bị ngộ độc thực phẩm đồng loạt: hãy thông báo ngay tới chính quyền địa phương (ủy ban nhân dân xã – huyện sở tại), trung tâm y tế dự phòng huyện – tỉnh và các bệnh viện gần nhất để cơ quan chức năng có phương án chuẩn bị kịp thời về nhân lực, trang thiết bị cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân. Ngoài ra, các cơ quan chức năng còn kịp thời tìm ra nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm hàng loạt, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm ngăn chặn ngộ độc thực phẩm tái diễn hoặc lan rộng.